Tỉnh Long An là cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị – công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long kết nối chặt chẽ với TPHCM và vùng Đông Nam Bộ.

Vì vậy, việc hoàn thiện hạ tầng giao thông không chỉ tăng kết nối giữa các huyện, thành phố, thị xã mà còn hình thành liên kết vùng, tạo nên sức bật lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, góp phần thực hiện hiệu quả khâu đột phá tạo động lực thu hút đầu tư.

Thông tin từ Sở GTVT tỉnh Long An, trong thời gian tới tuyến đường Vành đai 3 TPHCM đoạn qua tỉnh Long An hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh giúp giảm ùn tắc giao thông, vận chuyển hàng hóa được thuận tiện, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa giữa các khu – cụm công nghiệp, các địa phương trong tỉnh, giữa Long An với TPHCM, Long An với các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng Bằng sông Cửu Long.

Đường Vành đai 3 TPHCM đoạn qua tỉnh Long An

Hiện tại, tuyến đường này đã đạt khối lượng thi công đạt sản lượng hơn 50% giá trị xây dựng. Tổng mức đầu tư tuyến đường có chiều dài 6,8Km 4.208 tỷ đồng. Trong đó, phần xây dựng là 3.040 tỷ đồng. Phần giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư 1.168 tỷ đồng.

Thông tin từ Sở GT-VT tỉnh Long An, phần đường cao tốc đã hoàn thành công tác đắp cát gia tải, đang bơm hút chân không xử lý nền đất yếu (dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2024).

Đối với phần cầu vượt sông và cầu cạn thì hạng mục cầu vượt rạch Rích hoàn thành kết cấu mố trụ, lao lắp dầm 3/3 nhịp cầu. Cầu Tân Bửu (gồm vượt sông chợ Đệm và cầu cạn) thi công hoàn thành 2/2 mố, 33/36 trụ, lao lắp 11/35 nhịp (88/280 dầm) và đổ bê tông mặt cầu 5/35 nhịp.

Theo ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở GT-VT cho biết: “Dự án đã cơ bản hoàn thành so với kế hoạch, các mốc tiến độ yêu cầu của Chính phủ và đang triển khai thi công đạt tiến độ được duyệt”.

Cong-trinh-trong-diem-Long-AnDự kiến, đến tháng 12/2025, phần đường cao tốc sẽ hoàn thiện, thông xe kỹ thuật. Phần cầu vượt sông và cầu cạn trên đường cao tốc thông xe kỹ thuật cuối tháng 12/2025. Nút giao cuối tuyến kết nối với dự án Bến Lức – Long Thành thông xe kỹ thuật toàn bộ nút giao cuối tháng 10/2025. Phần các hạng mục kết nối còn lại: hoàn thành trong năm 2026 để đưa dự án vào khai thác, vận hành đúng theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 105.

Đường tỉnh 830E

Đây là dự án đầu tư xây dựng theo phê duyệt của UBND tỉnh, tổng mức đầu tư 1.213,38 tỷ đồng. Dự án giải phóng mặt bằng gần 2.500 tỷ đồng.

Tuyến đường giúp giảm bớt áp lực xe lưu thông lên các tuyến đường nội thị trong thị trấn Bến Lức, từ đó giảm ùn tắc giao thông. Một yếu tố quan trọng khác chính là tính kết nối vùng.

Cụ thể ĐT830E là một đoạn của đường song hành đường Vành đai 4 TPHCM, trong tương lai Đường Vành đai 4 TPHCM sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối với TPHCM – trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, tạo vòng tròn liên kết với các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, Long An. Thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh, giao thương hàng hóa, tạo không gian phát triển mới dọc hai bên tuyến đường, giúp giảm chi phí vận tải hàng hóa, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Đường tỉnh 827E

Sở hữu chiều dài khoảng 35,6km. Tuyến đường này sẽ nối từ sông Cần Giuộc, ranh giới giữa TP.HCM và Long An tại xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc đến ranh giới với tỉnh Tiền Giang ở xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, Long An. Khi hình thành, 6 làn xe của đường tỉnh 827E sẽ là trục động lực mới quan trọng, góp thêm vào việc kết nối Đông – Tây Nam Bộ.

Theo quy hoạch tỉnh Long An giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 686/QĐ-TTg ngày 13/6/2023, tỉnh Long An cần nguồn lực rất lớn để phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ cho phát triển công nghiệp, đô thị trên địa bàn.

Trong thời gian qua với sự quan tâm, hỗ trợ của các Bộ Ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ GTVT các công trình trọng điểm qua tỉnh Long An đã được đầu tư xây dựng, cũng như là công tác quy hoạch hạ tầng giao thông về đường bộ, đường thủy, đường sắt đã được các cấp thẩm quyền Trung ương lập, thẩm định và phê duyệt.