Quốc lộ 50B sau khi hoàn thiện có thể rút ngắn đến một nửa thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Long An và các vùng kinh tế lân cận.

Đầu tư QL50B và loạt dự án giao thông trọng điểm kết nối TP.HCM với Long An

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã trình UBND thành phố kiến nghị sớm được triển khai dự án QL50B. Đây là trục đường đô thị dài 55km, kết nối TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long, đi qua 3 địa phương: TP.HCM – Long An và Tiền Giang. Dọc tuyến đường là ba cây cầu lớn bắc qua sông Cần Giuộc, Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây.

Hiện dự án đã được bổ sung vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060 và quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.800 tỷ đồng.

Dự án là tuyến giao thông trọng điểm có vai trò trong việc tăng cường kết nối giao thông liên vùng. Cùng với QL50, QL1 hiện hữu, sau khi hoàn thành dự án sẽ hình thành tuyến giao thông động lực xuyên suốt từ TP.HCM đi các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại. Đồng thời giải quyết vấn đề lưu thông hàng hóa, nâng tầm kinh tế – xã hội của các địa phương.

Bên cạnh đó, QL50B còn kết nối với hai đại dự án giao thông lớn bậc nhất khu vực phía nam là Vành đai 3 – Vành đai 4 TP.HCM tạo thành trục kết nối và tăng trưởng giá trị trong tương lai. Ngoài ra, với vị trí qua nhiều con sông lớn, tuyến đường này mở ra hướng kết nối cửa ngõ quốc tế bằng đường biển (cảng Hiệp Phước, cảng nước sâu Thị Vải – Cái Mép, cảng Long An) và đường hàng không (sân bay quốc tế Long Thành). Dự án cũng tạo quỹ đất để chỉnh trang, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, thu hút đầu tư, phát triển các khu dân cư, thương mại, dịch vụ, khu công nghiệp dọc hai bên.

Long An được hưởng lợi khá lớn từ việc đầu tư xây dựng tuyến QL50B. Sau khi dự án hoàn thiện có thể rút ngắn đến một nửa thời gian di chuyển từ TP.HCM đi Long An và các vùng kinh tế lân cận. Sự hình thành của tuyến này được xem như trục động lực thúc đẩy tăng trưởng cho kinh tế – thương mại Tân Trụ nói riêng, Long An nói chung. Tuyến đường trở thành trục huyết mạch thúc đẩy các đô thị và khu – cụm công nghiệp dọc tuyến.Theo đánh giá, những công trình giao thông trọng điểm sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh tế – thương mại, đồng thời thúc đẩy sự tăng trưởng của bất động sản tại Long An.
Ngoài QL50B, loạt dự án hạ tầng giao thông đã và đang được xúc tiến đầu tư tại Long An. Chẳng hạn, Vành đai TP.Tân An nằm trong kế hoạch mở rộng lên 6 làn xe sau giai đoạn 2030 nhằm kết nối cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Quốc lộ 62 – Quốc lộ 1 đi TP.HCM và các tỉnh miền Tây, miền Đông. Trục giao thông này là liên kết quan trọng giữa TP.Tân An – Châu Thành – Tân Trụ – Thủ Thừa, mở ra không gian quan trọng để phát triển kinh tế, nâng cao hoạt động thương mại-dịch vụ, tạo điều kiện hình thành các khu đô thị mới kiểu mẫu, góp phần cho Tân An sớm trở thành đô thị loại 1.

Tầm nhìn đến năm 2045, huyện Tân Trụ sáp nhập vào TP.Tân An, trở thành trung tâm chính trị – hành chính – đô thị hạt nhân – đô thị vệ tinh của TP.HCM. Với việc đầu tư hạ tầng đang được xúc tiến mạnh ở giai đoạn này sẽ tạo tiền đề để các khu vực này phát triển mạnh về kinh tế – xã hội.

Song song đó, công tác triển khai xây dựng ĐT.830E (đoạn từ nút giao cao tốc đến ĐT.830); ĐT827E (đoạn từ ranh TP.HCM đến sông Vàm Cỏ Đông) vẫn được thúc tiến độ, dự kiến về đích giai cuối năm 2024 đến năm 2025. Các tuyến đường này đều là động lực kết nối vùng của tỉnh Long An.

Ngoài ra, loạt dự án cao tốc, vành đai, đường sắt kết nối Long An với TP.HCM và các tỉnh lân cận đã và đang đầu tư xây dựng như Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM, cao tốc Bến Lức – Long Thành, Đường sắt TP.HCM – Cần Thơ khởi công trước 2030, mở rộng cao tốc TP.HCM – Trung Lương …góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội, thay đổi diện mạo khu vực.

Trong đó, dự án Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Long An đã khởi công xây dựng tháng 6/2024. Hiện dự án vượt các mốc tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ, phấn đấu thông xe nút giao cuối tuyến phần kết nối với dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành vào năm 2025. Tuyến Vành đai 4 TP.HCM kết nối Long An với TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị, dự kiến khởi công năm 2025.
Tất cả các dự án giao thông trọng điểm này khi hoàn thành sẽ tăng tính liên kết vùng, tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản khu vực.

Bất động sản trở lại đường đua, nhà đầu tư “đi trước đón đầu”

Nhờ động lực từ hạ tầng, thị trường bất động sản Long An có những diễn biến mới vào thời điểm cuối năm. Một số dự án bất động sản rục rịch ra mắt thị trường Long An và nhận được sự quan tâm tích cực.

Trong Báo cáo nghiên cứu: “Phát triển đô thị và thị trường bất động sản tỉnh Long An giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Hiệp hội BĐS Việt Nam và Viện nghiên cứu BĐS Việt Nam đã chỉ ra, những năm gần đây, thị trường bất động sản Long An có nhiều bước tiến quan trọng, có vai trò, đóng góp góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Long An, đóng góp vào tăng trưởng GDP của tỉnh.

Với lợi thế là tỉnh tiếp giáp TP.HCM, nên bất động sản Long An đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư và là một trong những địa phương có thị trường bất động sản sôi động, với nhiều dự án nhà ở, khu dân cư, khu đô thị mới, công trình sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ được hình thành, đáp ứng nhu cầu đa dạng về nhà ở của người dân.

Chia sẻ về tiềm năng của thị trường bất động sản Long An, ông Trần Khánh Quang, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư BĐS cho hay, những năm gần đây, Long An tập trung cao độ phát triển hạ tầng đô thị, kết nối cửa ngõ khu vực phía Tây TP.HCM. Đây là cơ hội rất lớn mở ra với thị trường bất động sản tỉnh. Việc thúc đẩy phát triển hạ tầng đã giúp Long An trở thành lựa chọn hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Theo ông Quang, thị trường bất động sản Long An sẽ có những biến động lớn, tích cực vào giai đoạn cuối năm 2024 đến quý 3/2025, khi thị trường bất động sản cả nước trở lại đường đua tăng trưởng.

Đánh giá về tiềm năng của Long An, ông Võ Hồng Thắng, Phó Tổng Giám đốc DKRA Group cũng nhấn mạnh, trước đây, khi nhắc đến bất động sản Long An, người ta thường sẽ chỉ nghĩ đến những giao dịch đất nền, mua đi bán lại, tạo sóng tăng giá đem lại nguồn thu nhất thời cho giới đầu tư. Tuy nhiên, gần đây, thị trường bất động sản Long An trong chu kỳ phát triển tiếp theo sẽ có sự thay đổi rõ rệt về loại hình sản phẩm, quy mô dự án.

Dòng sản phẩm nhà ở phục vụ nhu cầu ở thực, kinh doanh đầu tư lâu dài như căn hộ, nhà xây sẵn, biệt thự, nhà phố thương mại sẽ trở thành phân khúc dẫn dắt thị trường. Các dự án lớn xuất hiện ngày càng nhiều, quy mô lớn, cho thấy bất động sản Long An đang ngày một phát triển chuẩn chỉnh, chuyên nghiệp hơn, hấp dẫn các chủ đầu tư, nhà đầu tư trong tương lai. Khi đó, tiềm năng tăng giá của bất động sản Long An là tất yếu.

Cũng theo ông Thắng, cơ hội cho các nhà đầu tư vào thị trường Long An còn rất tốt. Hiện tại, các chi phí ban đầu tại Long An đang khá thấp so với những địa phương khác trong khu vực. Nếu có chiến lược phát triển bài bản, phù hợp, cộng với sự nâng đỡ của hạ tầng giao thông, kết hợp với những chính sách cụ thể của chính quyền, quy hoạch bài bản… chỉ trong khoảng 5 – 10 năm tới, bất động sản Long An có thể cạnh tranh sòng phẳng với thị trường TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương.

Cùng quan điểm, bà Giang Huỳnh – Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và S22M, Savills Việt Nam cho hay, Long An có nhiều lợi thế về vị trí, quỹ đất rộng lớn, giá bất động sản còn mềm cho nên đây là thị trường có thể phát triển những sản phẩm nhà ở nhắm đến đối tượng người mua TP.HCM đang tìm kiếm cơ hội sở hữu bất động sản với giá cả phải chăng. Đi cùng với động lực từ đòn bẩy hạ tầng giao thông sẽ thúc đẩy giá trị bất động sản khu vực tăng trưởng trong tương lai. Theo bà Giang, việc các nhà đầu tư “đi trước đón đầu” với những dự án chỉn chu, giá hợp lý là có tiềm năng khi Long An đang hội tụ nhiều lợi điểm cùng lúc.