Báo cáo của FERI cho rằng, trạng thái “nén” của thị trường bất động sản từ quý I kỳ vọng sẽ được “giải nén” và chuyển biến tích cực hơn trong quý II/2025.
Viện Nghiên cứu Kinh tế – Tài chính – Bất động sản (FERI) vừa có báo cáo toàn cảnh thị trường bất động sản Việt Nam, theo đó, các chuyên gia cho rằng, thị trường quý I/2025 đang trong giai đoạn “nén” đầy tiềm năng để chờ đợi được “giải nén” trong tương lai gần.
Khác với sự im ắng của cùng kỳ năm trước, quý I/2025 được kích hoạt bởi hàng loạt động thái chuẩn bị “bung hàng” từ các chủ đầu tư. Hàng loạt sự kiện đã được tổ chức, từ gặp gỡ đại lý, đến hoạt động kick-off và đẩy mạnh truyền thông của các dự án mới. Dự báo nếu không có những tác động bất thường, từ quý II năm 2025 sẽ chứng kiến sự bùng nổ nguồn cung khi các chủ đầu tư sẵn sàng tung sản phẩm ra thị trường, đón đầu chu kỳ mới.
Báo cáo của FERI cho rằng, trạng thái “nén” từ quý I kỳ vọng sẽ được “giải nén” trong quý II. Theo đó, sản lượng tiêu thụ dự báo sẽ có sự tăng trưởng đáng kể, tỷ lệ thuận với nguồn cung mới tăng mạnh trong quý II, đặc biệt nhiều dự án đến từ các chủ đầu tư uy tín, top đầu thị trường.

Giá bán sơ cấp, dự kiến tăng bình quân khoảng 3 – 5% trên toàn thị trường, chủ yếu do nguồn cung mới đến từ các phân khúc cao cấp, hạng sang; giá bán thứ cấp, dự báo sẽ tăng từ 10 – 15%, mức tăng mạnh hơn sẽ đến từ các địa phương dự kiến sáp nhập vào các thành phố lớn; giá thuê, mức tăng dự báo duy trì ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ do nhu cầu thuê có thể bị tác động trong ngắn hạn.
Nguồn cung sơ cấp mới trong quý II/2025 dự kiến sẽ tăng mạnh đến 90% so với quý I/2025, ước tăng thêm 14.000 sản phẩm mới, kéo theo tổng nguồn cung sơ cấp tích lũy đạt gần 52.000 sản phẩm.
Viện Nghiên cứu Kinh tế – Tài chính – Bất động sản (FERI) cũng đưa ra dự báo 3 kịch bản tăng trưởng cho thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam trong quý II năm 2025.
- Kịch bản lý tưởng: Nguồn cung mới tăng 25% – 30%, lãi suất thả nổi ở mức 8% – 10%, giá bán tăng 5 – 7% và tỷ lệ hấp thụ đạt 30-40%. Đây là kịch bản lạc quan nhất, kỳ vọng vào sự phục hồi sớm của thị trường.
- Kịch bản kỳ vọng: Nguồn cung mới tăng 20% – 25%, lãi suất thả nổi ở mức 9 – 11%, giá bán tăng 3% – 5% và tỷ lệ hấp thụ đạt 25 – 30%. Đây là kịch bản khả thi nhất, phản ánh sự tăng trưởng được cải thiện tích cực hơn của thị trường.
- Kịch bản thách thức: Nguồn cung mới tăng 15% – 20%, lãi suất thả nổi ở mức 10-12%, giá bán giữ nguyên không tăng, và tỷ lệ hấp thụ đạt 20 – 25%. Đây là kịch bản cẩn trọng, nhưng cũng khá hợp lý trong giai đoạn thị trường ẩn chứa nhiều biến số.