Theo dự báo, TP.HCM chỉ có thêm 8.000 căn hộ mới trong cả năm 2024, so với bình quân 10 năm qua là 30.000 sản phẩm/năm, tình trạng khan hiếm nguồn cung cũng diễn ra tương tự ở Hà Nội.
Qua 6 tháng đầu năm, các chuyên gia từ các hãng phân tích thị trường bắt đầu có những phân tích cập nhật về tình hình sức khỏe của ngành bất động sản. Trong đó tiếp tục nhận định nguồn cung nhà ở mới ở hai thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM tiếp tục rất thấp.
Giá bất động sản đã tăng quá đà
CBRE – công ty đầu tư và dịch vụ bất động sản thương mại của Mỹ thuộc nhóm Fortune 500, đánh giá quý I và nửa đầu quý II, thị trường bất động sản Việt Nam phục hồi tích cực qua từng tháng. Tuy nhiên, vấn đề là giá bất động sản dường như đã tăng “quá đà”.
Theo bà Dương Thùy Dung – Giám đốc điều hành, trưởng bộ phận định giá, nghiên cứu và tư vấn CBRE Việt Nam cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do lượng cung nhà ở vẫn quá thấp.
Cụ thể, dự báo trong cả năm nay thị trường lớn như TP.HCM chỉ có khoảng 8.000 căn hộ chào bán ra thị trường. Đây là mức rất thấp so với trung bình 30.000 căn/năm trong 10 năm qua của trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước.
Nguồn cung mới thấp, hàng ra những tháng đầu năm rất nhỏ giọt. Tại TP.HCM, tổng nguồn cung căn hộ chung cư trong quý I chỉ khoảng 1.000 căn. Riêng phân khúc nhà phố, đất nền, nhà đầu tư còn không có sản phẩm để mua trên thị trường sơ cấp. Trong khi đó tại Hà Nội, thị trường có khoảng 2.000 căn hộ được chào bán. Con số này vẫn rất thấp so với giai đoạn trước COVID-19.
Khi cung nhỏ hơn cầu, giá bán chắc chắn sẽ tăng. Trên thị trường thứ cấp, giá căn hộ Hà Nội trong quý I tăng tới 17%, một số quận còn ghi nhận giá tăng tới 25 – 30%.
“Tại Hà Nội, mức giá căn hộ trong cả năm 2024 sẽ tăng khoảng 20%. Tới năm 2025 – 2026, đà tăng sẽ chững lại ở mức 5 – 6%. Còn với TP.HCM, do mức giá vốn đã rất cao nên mức tăng là từ 2 – 4% mỗi năm, kéo dài từ nay đến năm 2026” – bà Dung nhận định.
Kỳ vọng khi luật mới phát huy hiệu quả
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong ngắn hạn, giá căn hộ tại trung tâm các thành phố lớn sẽ tiếp tục duy trì đà tăng, nhất là đối với phân khúc bình dân, trung cấp.
Dự kiến phải đến giữa năm 2025, khi các bộ luật mới liên quan đến bất động sản dần thấm vào thị trường, các vướng mắc được tháo gỡ và lượng nhà ở xã hội bật tăng, mặt bằng giá căn hộ mới được điều chỉnh lại.
Còn theo các nghiên cứu viên của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc Hội hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung các Luật về Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản và các tổ chức tín dụng để có hiệu lực sớm hơn, bắt đầu từ ngày 1-8-2024, thay vì từ 1-1-2025.
Quốc hội cuối tuần trước đã điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2024, đưa việc sửa các luật này vào ngay chương trình làm việc của kỳ họp Quốc hội đang diễn ra.
Nếu được thông qua trong tháng sáu này, một số điểm nghẽn lớn của lĩnh vực bất động sản sẽ sớm được giải quyết.
Đơn cử như Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở đã sửa đổi căn bản chính sách phát triển nhà ở xã hội, gồm mở rộng đối tượng, thuận lợi hóa trình tự thủ tục. Còn Luật Đất đai tập trung tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến việc xác định tiền sử dụng đất, những vấn đề về giao đất, cho thuê đất, quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư…
Còn Luật Các tổ chức tín dụng giúp dự đoán chính xác hơn khả năng khơi thông dòng vốn và hiệu quả các dự án bất động sản.
Vốn hóa của nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm khoảng 14%, đứng thứ hai trong rổ hàng tính toán chỉ số VN Index. Vậy nên khi bất động sản ấm lên sẽ góp phần giúp thị trường chứng khoán Việt khởi sắc trong những tháng tới.