(PLVN) – Nhà Bè đã có bước tiến đáng kinh ngạc cho lộ trình lên quận, càng gần đến đích, tín hiệu lan tỏa càng mạnh mẽ, kéo theo sự sôi động liên tục của thị trường BĐS khu Nam và các đô thị lân cận.

Nhà Bè tăng tốc về đích sớm

Trao đổi với phóng viên vào năm 2017, ông Nguyễn Văn Lưu, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè từng chia sẻ: Khó khăn lớn nhất của Nhà Bè là kết cấu giao thông chưa hoàn chỉnh, từ đường giao thông nối các huyện bạn đến đường giao thông liên xã. Các trục Đông Tây, Nam Bắc đều thiếu đường giao thông chính, thiếu cầu bắc qua sông và kênh rạch. Mặt khác, tính chất nông thôn ở Nhà Bè còn chiếm tới 2/3, nghĩa là chỉ mới đô thị hoá được 1/3, do đó Nhà bè có thể đi sau Bình Chánh và Hóc Môn trong việc nâng cấp từ huyện lên quận.

Tuy nhiên, mới đây vào tháng 5/2020, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã cho biết: cả huyện Nhà Bè chỉ còn 200 hộ dân làm nông nghiệp, với số hộ dân làm nông nghiệp ít ỏi như vậy, huyện Nhà Bè sẽ có nhiều triển vọng lên quận hơn những huyện khác. Vì vậy, nếu huyện xây dựng kế hoạch rõ ràng hơn thì cuối năm 2025 sẽ trở thành một quận của thành phố.

Điều này là minh chứng về tốc độ đô thị hóa đáng kinh ngạc của Nhà Bè trong thời gian chưa đến 3 năm. Đồng thời, các chương trình tập trung đầu tư kết nối, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đang được quan tâm đặc biệt. Khu Nam đã hoạt động liên tục như đại công trường mang dòng vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Mới đây, nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, vốn đầu tư hơn 830 tỷ đồng vừa được khởi công giai đoạn 1 vào cuối tháng 4, công trình sẽ thúc đẩy việc kết nối toàn thành phố một cách nhanh chóng thông qua sự kết hợp giữa các trục Bắc – Nam và Đông – Tây.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng không ngừng mở rộng các tuyến đường hiện hữu của khu Nam nhằm đẩy nhanh tốc độ hình thành hành lang kinh tế Nam Sài Gòn. Cụ thể như phê duyệt chủ trương mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ từ 4 lên 6 – 8 làn xe, xây dựng cầu số 1, cầu số 2, cầu Phước Kiểng, cầu Bà Chiêm.

Trục đường Lê Văn Lương cũng sẽ được mở rộng thêm 15m và khởi công xây dựng cầu Rạch Đỉa, cầu Long Kiểng, cầu Rạch Dơi, cầu Rạch Tôm. Tuyến Nguyễn Văn Tạo quy hoạch lộ giới 60m, chiều rộng thực tế 16m đã được thành phố giao Ban quản lý khu Nam, UBND huyện Nhà Bè xây dựng kế hoạch mở rộng,…

Theo đó, hàng loạt đô thị có quy mô lớn liên tục được hình thành. Trong đó, trục đường Nguyễn Hữu Thọ được mệnh danh là 1 trong những trục đường tỷ đô tập trung nhiều khu đô thị, siêu dự án hàng đầu thành phố, diện mạo của Nhà Bè không thua kém bất kỳ quận huyện nào.

“Đổ xô” mua đất

Song hành cùng việc Nhà Bè hoàn tất điều kiện cần và đủ để lên quận, là những biến động rõ nét của giá nhà đất trong khu vực. Tuy nhiên, đặc điểm đất của khu vực này chủ yếu là nông nghiệp diện tích lớn (từ 1.000 – 5.000m2), rất hiếm đất nền dự án. Đơn cử, năm 2014, giá đất nông nghiệp tại huyện Nhà Bè chỉ 1 – 2 triệu đồng/m2, đất thổ cư ở mức trên dưới 10 triệu đồng/m2. Sau khi khởi công tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành, mức giá đã tăng đáng kể.

Từ đây, làn sóng “săn” đất nông nghiệp cũng diễn ra mạnh mẽ, khu vực xung quanh tuyến đường Nguyễn Văn Tạo, giá đất vườn từ 4 triệu đồng/m2, nay đã tăng lên mức 7 – 8 triệu đồng/m2. Bên cạnh đó, tuyến đường Lê Văn Lương thuộc xã Nhơn Đức, giá bán loại hình đất thổ vườn đạt mức 9 – 10 triệu đồng/m2. Mặc dù, mức giá của loại hình đất nông nghiệp, đất vườn đã tăng lên khá cao nhưng hiện nay, nhiều nhà đầu tư vẫn âm thầm “săn lùng”.

Tuy nhiên, loại hình BĐS đặc thù này vẫn là ẩn số, bởi thủ tục pháp lý chuyển đổi từ đất nông nghiệp thành đất thổ cư thật sự không dễ dàng. Thực tế, nhiều nhà đầu tư đã phải “ngậm trái đắng” khi BĐS nông nghiệp không thể chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tài chính cá nhân không đủ để giữ đất đến giai đoạn tăng giá kỳ vọng.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA): Để đảm bảo an toàn cho suất đầu tư, người mua đất nông nghiệp cần tìm hiểu trước về quy hoạch, chứng nhận quyền sử dụng đất và chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất để tránh những trục trặc hoặc thua lỗ không đáng có.

Riêng với loại hình đất thổ cư, giá đất ở một số dự án nằm trên đường Nguyễn Hữu Thọ được niêm yết khá cao, khoảng từ 65 – 70 triệu/m2. Đất nền mặt tiền đường Nguyễn Văn Tạo, đang được nhiều chủ đất rao bán với giá 30 triệu đồng/m2. Sức nóng nhanh chóng lan tỏa đến các khu đô thị lân cận như Hiệp Phước, Cần Giuộc,…

Trong đó, Cần Giuộc dẫn đầu về biên độ tăng giá và tiềm năng phát triển BĐS của khu vực. Điển hình, loại hình đất nền đã điều chỉnh mặt bằng giá tăng lên gấp đôi trong vòng 3 năm, từ vùng giá 8 – 9 triệu/m2 vào năm 2016, lên đến 18 – 25 triệu/m2 cuối năm 2019.

Hiện nay, sản phẩm đất nền dự án tại Cần Giuộc, vị trí tiếp giáp Nhà Bè đang được nhiều nhà đầu tư yên tâm lựa chọn, với mức giá từ 1.45 – 1.6 tỷ đồng, pháp lý đầy đủ và được bảo chứng bởi uy tín của đơn vị phát triển nhiều kinh nghiệm,… Thông thường, tỷ suất đầu tư sinh lợi của loại hình BĐS này trung bình từ 30 – 35%/năm. Nhà đầu tư được hỗ trợ thanh toán trong vòng 24 tháng, chỉ với 15% giá trị trong đợt đầu tiên.

Đồng thời, với lợi thế chỉ cách Nhà Bè 1 cây cầu đã tạo ra sự kết nối thông suốt đến đại đô thị Nam Sài Gòn, di chuyển nhanh chóng tới khu đô thị kiểu mẫu Phú Mỹ Hưng tích hợp đầy đủ tiện ích cao cấp,… đã mở ra cơ hội an cư lý tưởng và kinh doanh sinh lời ổn định cho nhà đầu tư.

Theo Báo Pháp Luật