Theo dữ liệu từ Batdongsan cho thấy, giá rao bán trung bình của bất động sản tăng đáng kể, 24% so với đầu năm 2023, đứng đầu về lợi suất trong các kênh đầu tư.

Dữ liệu thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2024 cho biết hầu hết các kênh đầu tư ghi nhận có dấu hiệu tích cực so với năm 2023.

Trong đó, bất động sản vẫn là kênh có lợi suất đầu tư cao nhất. Tính đến tháng 6/2024, giá rao bán trung bình của bất động sản tăng 24% so với đầu năm 2023. Trong khi đó VN-Index, thể hiện biến động giá cổ phiếu, tăng 19%, giá vàng SJC tăng 17%, tỷ giá USD tăng 8%.

Hà Nội – một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ tăng giá bất động sản, ghi nhận giá rao bán nhà riêng tăng 32% so với đầu năm 2023, chung cư tăng 31%, đất, biệt thự, nhà phố cũng tăng từ 10-19%. Trong khi đó, giá rao bán bất động sản TP.HCM gần như đi ngang trong một năm rưỡi qua, ngoại trừ chung cư tăng giá nhẹ 6%, các loại hình còn lại đều giữ nguyên mặt bằng giá.

Bên cạnh đó, mức độ quan tâm đất nền, nhà riêng đang được cải thiện. Cụ thể, mặc dù lượng quan tâm đến nhà riêng mới chỉ hồi phục 87%, đất nền phục hồi 60% so với quý 1/2021, hai loại hình này nhìn chung có cải thiện về mức độ quan tâm và giao dịch trong nửa đầu 2024. Nhu cầu tìm kiếm đất nền và nhà riêng toàn quốc trong quý 2 tăng lần lượt là 33% và 18% so với quý 1/2024. Tuy nhiên, đây chỉ là sự cải thiện cục bộ tại một số khu vực, đặc biệt là các tỉnh miền Bắc.

Ông Đinh Minh Tuấn – Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan nhận định hiện tại chung cư chưa có dấu hiệu “bong bóng”. Ông Tuấn cho biết các yếu tố tạo nên “bong bóng” là nhu cầu bị khống lên, lực cầu đầu tư nhiều hơn ở thực; giá bị đẩy lên cao so với nền kinh tế và so với loại hình khác; và chính sách tiền tệ nới lỏng tạo điều kiện khống vốn trong thị trường.

Dữ liệu từ Batdongsan cho biết so với các thành phố trên thế giới, mức chênh lệch giá chung cư với GDP Việt Nam vẫn chưa quá cao. Ước tính, để mua 1 căn hộ 50m2 ở Bangkok (Thái Lan), người dân mất hơn 47 năm thu nhập, con số này ở Manila (Philippines) là hơn 56 năm, ở Kuala Lumpur (Malaysia) là gần 17 năm. Còn ở Hà Nội và TP.HCM, người dân cần dành khoảng 14 – 15 năm thu nhập để mua một căn hộ diện tích tương tự.

“Tốc độ tăng dân số tại 2 thành phố lớn cho thấy nhu cầu ở thực của chung cư vẫn rất cao. Dự báo nhu cầu tổng thể nhà ở giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn Hà Nội là 89 triệu mét vuông sàn, tại TP.HCM là 107,5 triệu mét vuông sàn. Nhu cầu cao như vậy nhưng giá chung cư hiện tại ở Hà Nội và TP.HCM chưa quá cao so với các thành phố trên thế giới. Trong khi đó, lãi suất mua nhà dự kiến chưa về mức thấp khi lãi suất huy động vừa được điều chỉnh tăng. Vì vậy, chung cư chưa có hiện tượng “bong bóng”, thực tế, nguồn cung hạn chế, giá mở bán cao đã gây ra đợt tăng trưởng mạnh vừa qua.”, ông Đinh Minh Tuấn lý giải.

(Nguồn: Nhịp sống thị trường)