Thực tế thị trường cho thấy, rất nhiều ông chủ dự án đất nền gom tiền của khách hàng rồi đi làm dự án khác khi chưa ra được sổ cho dự án cũ. Thay vì làm trọn vẹn một dự án, không ít NĐT liên tục mở rộng dự án, điều này rất rủi ro…
Đó cũng là nội dung chia sẻ của ông Phan Công Chánh, chuyên gia BĐS cá nhân tại sự kiện diễn ra tại Tp.HCM mới đây.
Theo ông Chánh, đối với những nhà đầu tư (NĐT) cá nhân có vốn khiêm tốn, thường sẽ góp vốn với các NĐT khác để đầu tư. Không ít trường hợp gọi vốn rồi đứng ra gom đất, làm dự án. Nhưng thay vì tập trung làm một dự án cho trọn vẹn thì dùng số tiền gom từ khách hàng ở dự án hiện tại để đi mua đất, làm nhiều dự án cùng lúc. “Điều này rất rủi ro. Tôi đã chứng kiến một số trường hợp vỡ trận, cao chạy xa bay vì kiểu đầu tư này”, ông Chánh cho biết.
Theo vị chuyên gia này, khi NĐT cá nhân gom vốn từ nhiều NĐT để làm dự án thì cần hết sức cẩn thận, nên làm vừa phải, làm chắc chắn vì chính sách có thể thay đổi ở một số thời điểm, nếu không lường trước được sẽ gặp rủi ro cao.
Cũng có rất nhiều NĐT có chiến lược đầu tư dự án rõ ràng nhưng chỉ cần gặp một “lỗ hổng” pháp lý là ra đi cả dự án. “Thị trường BĐS đang sàng lọc rất khốc liệt, cho nên đầu tư dự án cần phải quan tâm đặc biệt đến yếu tố pháp lý”, ông Chánh nhắn nhủ.
Cần nắm rõ pháp lý để hạn chế rủi ro trong đầu tư BĐS
Theo ông Chánh, trên thị trường hiện nay có rất nhiều NĐT BĐS cá nhân đi lên từ “làng” hoặc đi từ môi giới BĐS. Họ học cách mua bán BĐS, học cách tư vấn bán hàng nhưng lại không học vấn đề pháp lý dự án. Vì thế, khi đầu tư dự án quy mô thì thường lúng túng và dễ gặp rủi ro. Sự thật có nhiều bạn môi giới đi bán hàng nhưng chưa bao giờ sở hữu mặt hàng mình muốn bán cho khách. Điều đó có nghĩa là bản thân họ cũng không lường và cảm nhận hết được những bất trắc, rủi ro đến từ sản phẩm.
“Khi góp vốn với NĐT khác để đầu tư dự án thì cần nói rõ ràng, ok hãy làm. Nếu đầu tư dạng góp vốn mà kì vọng của NĐT cao quá là rất nguy hiểm, vì thị trường biến động sẽ để lại hậu quả cho các NĐT góp vốn”, ông Chánh cho hay.
Cùng quan điểm, Luật sư Lương Ngọc Đinh cho rằng, pháp lý luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu khi quyết định mua hay đầu tư dự án BĐS. Bởi vì trên thị trường hiện nay, có những CĐT làm ăn có tâm nhưng cũng không ít CĐT chộp giật, bán dự án “ma”, không có thật. Trong khi đó, đa số người mua hiện nay không quan tâm đến yếu tố thẩm định pháp lý dự án mà chủ yếu chạy theo đám đông, nên rủi ro rất cao.
Chuyên gia pháp lý Nguyễn Tấn Phong cũng cho hay, mua bán BĐS nguyên tắc là phải đúng luật, đúng lệ, đúng lẽ. Phải giao dịch với chính chủ và sở hữu BĐS có khả năng giao dịch ngay thì mới hạn chế được rủi ro.
Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo BĐS phân tích, lựa chọn sản phẩm đầu tư phụ thuộc vào kinh nghiệm và kiến thức của NĐT. Bên cạnh việc chấp nhận rủi ro trong đầu tư thì cách tốt nhất NĐT phải am hiểu để lường được rủi ro đến từ pháp lý 1 cách thấp nhất. Với những NĐT mới vào nghề, phải lựa chọn cho mình một môi giới BĐS đáng tin cậy để giao dịch sản phẩm và phải tìm hiểu thêm thông tin từ những NĐT đã làm việc với môi giới đó trước đó.
Theo Cafef.vn