Vành đai 3 – vành đai 4 TP.HCM, đường Lương Hòa – Bình Chánh, quốc lộ 50B khi hoàn thành tăng tính liên kết vùng.

Với vị trí cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long, giáp ranh TP.HCM, Long An đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông trong vài năm gần đây. Phát triển các dự án giao thông được tỉnh xác định là “chương trình đột phá” để thúc đẩy kinh tế, xã hội, tăng tính liên kết vùng. Trong số này, các huyện ven TP.HCM có dự án lớn sẽ hình thành trong tương lai.

Quốc lộ 50B có tổng đầu tư là 18.600 tỉ đồng, kết nối trực tiếp TP.HCM – Long An – Tiền Giang, với đoạn Long An dài 35km. Đây là đại dự án quan trọng bậc nhất khu phía đông tỉnh Long An khi đi qua 4 huyện là Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành.

Khi hoàn thành, quốc lộ 50B sẽ là trục động lực mới, kết nối lư thông hàng hóa từ các tỉnh miền Tây về TP.HCM và ngược lại, giúp giảm tải áp lực cho quốc lộ 1.

Ngoài ra, với vị trí qua nhiều con sông lớn, tuyến đường mở ra hướng kết nối cửa ngõ quốc tế bằng đường biển (cảng Hiệp Phước, cảng nước sâu Thị Vải – Cái mép, cảng Long An), và đường hàng không (sân bay quốc tế Long Thành).

Quốc lộ 50B còn kết nối với hai đại dự án giao thông lớn bậc nhất khu vực phía Nam là vành đai 3, vành đai 4 TP.HCM. Trong số này, vành đao 3 TP.HCM đoạn qua huyện Bến Lức, tỉnh Long An dài gần 7km đã dần hình thành sau hơn nửa năm thi công.

Vành đai 3 TP.HCM có vai trò quan trọng, kết nối các đầu mối giao thông chính trong nước và quốc tế, liên kết các trung tâm kinh tế phía Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội không chỉ ở TP.HCM mà cả khu vực phía Nam và cả nước.

Sau vành đai 3, tuyến vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài 207km đang trong giai đoạn chuẩn bị, dự kiến khởi công năm 2025.

Ngoài những tuyến đường mang tầm vóc quốc gia, Long An và TP.HCM cũng triển khai nhiều dự án quy mô vừa và nhỏ để tạo sự đồng bộ, thông suốt diện mạo giao thông.

Đơn cử như trục động lực Mỹ Quý Tây – Lương Hòa – Bình Chánh, gần sát cao tốc TP.HCM – Trung Lương và vành đai 3. Đường này có điểm bắt đầu từ cửa khẩu Mỹ Quý Tây và điểm cuối tại nút giao Mai Bá Hương (Bình Chánh, TP.HCM).

Trong đó, đoạn Lương Hòa – Bình Chánh dài 4,5km lộ giới 60m đang được triển khai và dự kiến hoàn thành vào năm 2025, với tổng vốn đầu tư hơn 2.270 tỉ đồng.

Lương Hòa – Bình Chánh giữ vai trò rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển từ TP.HCM về Long An, giảm tải cho tỉnh lộ 10 đã quá tải và thường xuyên ùn tắc. Tuyến đường này đi qua nhiều khu vực được quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị.

Đường Võ Văn Kiệt  – một trong những đại lộ huyết mạch của TPHCM mới đây – cũng được đề xuất kéo dài đến huyện Đức Hòa , Long An. Đường nối dài dự kiến dài hơn 12km, rộng hơn 60m, có nút giao với vành đai 3.

Khi hình thành, Võ Văn Kiệt nối dài giúp giải quyết trình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra trên địa bàn huyện Bình Chánh và Đức Hòa, do khu vực này tập trung các Khu công nghiệp.

Ngoài dự án Võ Văn Kiệt nối dài, Sở giao thông vận tải TP.HCM cũng đề xuất sớm triển khai ở đường mới phía Tây Bắc, dài khoảng 8km, rộng 40m. Dự án sẽ kéo dài đường liên ấp 625 từ đường Nguyễn Thị Tú và đường Vĩnh Lộc đến ranh tỉnh Long An.

Với hàng loạt tuyến đường liên tỉnh hình thành trong tương lai, các chuyên gia dự báo Long An tiếp tục giữ vị thế là một trong những địa phương tăng trưởng nhanh, ổn định. Tỉnh là “miền đất hứa” thu hút dòng vốn đầu tư FDI, các dự án công nghiệp, thương mại lớ nhờ hạ tầng giao thông đồng bộ, kéo theo đó, phát triển đô thị, bất động sản Long An cũng được hưởng lợi.

Đại diện một chủ đầu tư dự án tại Long An nhận định thị trường vẫn đang trong giai đoạn trầm lắng, song bất động sản tại các huyện như Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa có sự chuyển động nhất định.

Trong khoảng 3 – 5 năm tới, khi loạt dự án giao thông lớn hoàn thiện, hàng loạt đô thị hiện đại sẽ mọc lên, thu hút hàng trăm nghìn cư dân về sinh sống, kinh doanh. Đây sẽ là khu vực nhiều tiềm năng phát triển và có sự hoàn thiện đồng bộ về hạ tầng giao thông.

(Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online)

Xem thêm các thông tin thị trường mới nhất tại đây.